banner_website_display_block

Vasa – Bảo tàng chiếm hạm độc đáo nhất Thế giới.

Vasa – Bảo tàng chiếm hạm độc đáo nhất Thế giới.

4:08 - 18/06/2021

Bảo tàng Vasa lưu giữ chiến hạm Vasa, một trong những con tàu chiến lớn nhất và đắt đỏ nhất của Hải quân Hoàng gia Thụy Điển thế kỷ 17. Nơi đây trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn để du khách được chiêm ngưỡng một kiệt tác lịch sử.

Trong tổng số 75 bảo tàng tại thủ đô Stockholm, bảo tàng chiến hạm Vasa là một bảo tàng lớn và độc đáo nhất, bởi câu chuyện lịch sử hình thành đầy huy hoàng của Vasa đối nghịch với số phận ngắn ngủi cùng kết cục đầy bi thương của một biểu tượng quyền lực về quân sự trong ngành hàng hải. Vasa không phải là một tàu chiến thông thường, mà nó được dựng lên với ý định sẽ trở thành một biểu tượng về quyền lực, một sự cạnh tranh quyết liệt trong việc trang bị cho hải quân Thuỵ Điển có sức mạnh nổi trội với các nước Bắc Âu và vùng phụ cận ở thế kỷ 17.

Tàu chiến Vasa ở bảo tàng Vasa tại Stockholm, Thụy Điển.

Lịch sử ghi lại rằng: vào ngày 16.1.1625, vua Gustav II Adolf hạ lệnh cho đô đốc Fleming ký hợp đồng với nhà đóng tàu ở Stockholm là Henrik và Arend Hybertsson thiết kế và giám sát việc đóng tàu Vasa phục vụ cho chiến tranh với Ba Lan. Công việc đóng tàu Vasa chính thức bắt đầu vào đầu năm 1626 dựa theo mẫu tàu chiến truyền thống. Nhưng khi con tàu được dựng xong phần sườn, thì vua Gustav biết Đan Mạch đang đóng một con tàu lớn hơn với hai boong chứa súng, vua liền yêu cầu nới thêm chiều cao cho Vasa, và tăng cường thành hai boong chứa súng. Phải nói lại rằng trong thời kỳ ấy ở Thuỵ Điển, chưa có một xưởng đóng tàu nào thiết kế một con tàu chiến với hai boong súng như vậy.

Các chi tiết của Tàu chiến Vasa.

Vào ngày 10.8.1628 tàu chiến Vasa được hạ thuỷ, trên tàu khi ấy có 145 thuỷ thủ đoàn, 300 binh lính, số còn lại là những người thân gồm vợ và con nhỏ của các thuỷ thủ, cùng khách mời đồng hành theo Vasa trong hải trình đầu tiên đi quanh các đảo ở Stockholm. Vasa oai vệ với 48 khẩu thần công chia đều ra hai boong tàu, được mệnh danh là chiến hạm lớn nhất thế giới lúc bấy giờ. Thế nhưng, khi rời hải cảng Stockholm đúng 1.300m hải hành, chiến hạm này đã bị một cơn gió mạnh làm đắm, khiến 53 người thiệt mạng. Có nhiều nguyên nhân lý giải chuyện Vasa bị đắm, và một trong những nguyên nhân ấy là do việc cơi nới chiều cao thân tàu quá mức, cộng với sức tải quá lớn của các boong chứa súng thần công khiến Vasa không có được độ cân bằng an toàn. Kể từ sau khi bị đắm, con tàu hầu như bị quên lãng cho đến khi Anders Franzen định vị được nó vào năm 1956, nhưng phải đến năm 1961, tức 333 năm sau ngày bị đắm, Vasa được trục vớt. Nhờ độ mặn thấp của biển Baltic nên con tàu gần như được bảo tồn nguyên vẹn, và người ta đã xây dựng thành một bảo tàng ngay tại nơi đóng tàu để mọi người có thể chiêm ngưỡng một vẻ đẹp đỉnh cao về nghệ thuật chạm khắc, cũng nhự sự đồ sộ hiếm có của một chiến hạm bằng gỗ, nhưng lại có thời gian hải hành ngắn ngủi nhất trong lịch sử hàng hải tính cho đến ngày nay.

Một số hình ảnh của chiến hạm Vasa:

 

 

Phạm Vân: Kylucvietnam.vn (sưu tầm, tổng hợp).