banner_website_display_block

Tổ chức Kỷ lục Đông Nam Á (Asean Records Organization) chính thức công bố Top các món ăn đặc sản, đặc sản thiên nhiên, đặc sản quà tặng của Việt Nam đạt giá trị Kỷ lục Đông Nam Á lần thứ I (2018)

Tổ chức Kỷ lục Đông Nam Á (Asean Records Organization) chính thức công bố Top các món ăn đặc sản, đặc sản thiên nhiên, đặc sản quà tặng của Việt Nam đạt giá trị Kỷ lục Đông Nam Á lần thứ I (2018)

11:30 - 30/01/2021

(Kyluc.vn-VietKings)Sau thời gian xem xét hồ sơ, Tổ chức Kỷ lục Đông Nam Á đã chính thức xác lập Top các món ăn đặc sản, đặc sản thiên nhiên, đặc sản quà tặng của Việt Nam đạt giá trị Kỷ lục Đông Nam Á (2018), trong đó có 5 món ăn đặc sản, 2 đặc sản thiên nhiên và 3 đặc sản quà tặng

Trong 57 quốc gia và vùng lãnh thổ của châu Á, Việt Nam được xem là một trong những nước có văn hóa ẩm thực độc đáo và đa dạng. Ẩm thực Việt Nam không chỉ có hương vị thơm ngon, tươi mới; cách chế biến đa dạng; mà còn cân bằng tuyệt đối về dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe con người. Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam cũng được xem như là một thành trì ẩm thực còn giữ lại được những nét đặc sắc từ hàng nghìn năm trong nền văn hóa ẩm thực lâu đời. Chính vì vậy, ẩm thực Việt Nam ngày càng được bạn bè thế giới yêu mến và là một trong những điểm nhấn du lịch tuyệt vời trên hành trình trải nghiệm của du khách trong và ngoài nước.

 

Để có thể tiếp nối hành trình quảng bá các giá trị ẩm thực Việt Nam ra khu vực và Thế giới, năm 2018, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam – Vietkings đã tiến hành đề cử Kỷ lục Đông Nam Á cho các món ăn đặc sản, đặc sản thiên nhiên, đặc sản quà tặng mới của Việt Nam theo bộ tiêu chí xác lập “Giá trị ẩm thực Đông Nam Á” đến Tổ chức Kỷ lục Đông Nam Á – Asean Records Organization.

 

Sau thời gian xem xét hồ sơ, Tổ chức Kỷ lục Đông Nam Á đã chính thức xác lập Top các món ăn đặc sản, đặc sản thiên nhiên, đặc sản quà tặng của Việt Nam đạt giá trị Kỷ lục Đông Nam Á (2018), trong đó có 5 món ăn đặc sản, 2 đặc sản thiên nhiên và 3 đặc sản quà tặng, bao gồm:

 

Danh mục Tên món ăn đặc sản, đặc sản thiên nhiên, đặc sản quà tặng      Địa Phương
Món ăn đặc sản
  1. Bánh canh Nam Phổ
Thừa Thiên – Huế
  1. Bánh mì Hội An
Quảng Nam
  1. Lẩu thả
Bình Thuận
  1. Gỏi Sầu Đâu
An Giang
  1. Gỏi cá Trích Phú Quốc
Kiêng Giang
Đặc sản thiên nhiên     
  1. Vú sữa Lò Rèn
Tiền Giang
  1. Vải thiều
Bắc Giang
Đặc sản quà tặng
  1. Yến sào
Khánh Hòa
  1. Tỏi Lý Sơn
Quảng Ngãi
  1. Rượu sim Phú Quốc
Kiên Giang

 

Tất cả các món ăn đặc sản, đặc sản thiên nhiên, đặc sản quà tặng được xác lập giá trị Kỷ lục Đông Nam Á lần này đều là những món ăn, đặc sản có giá trị lịch sử lâu đời và nổi tiếng của Việt Nam, được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến. Du khách có thể thưởng thức những món ăn cũng như mua các đặc sản này làm quà tặng cho người thân và bạn bè trên hành trình du lịch của mình khi khám phá đất nước Việt Nam xinh đẹp và mến khách.

Hãy cùng Tổ chức Kỷ lục Việt Nam tìm hiểu một lần nữa các giá trị ẩm thực đặc sắc của các món ăn đặc sản, đặc sản thiên nhiên, đặc sản quà tặng đã đạt được giá trị Kỷ lục Đông Nam Á 2018 của Việt Nam sau đây:

 

5 món ăn đặc sản:

  1. Bánh canh Nam Phổ (Thừa Thiên – Huế)

Bánh canh Nam Phổ là món ăn gia truyền của làng Nam Phổ (huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên- Huế), cách trung tâm thành phố chừng 10 km. Bánh canh Nam Phổ được nấu từ bột gạo và bột lọc theo tỉ lệ nhất định. Thay vì được nhồi và cắt sợi như các loại bánh canh khác thì bánh lại được dáo bột cách thủy rồi đem xuống đánh đều. Những người khéo tay sẽ cho bột chảy theo ý mình, bột sẽ ra từng con thuôn tròn. Nhân bánh canh được chế biến từ thịt ba chỉ và tôm, tất cả được làm sạch, giã nhuyễn, viên nhỏ và nấu thành hỗn hợp, sau đó đổ lên bề mặt của nồi bánh canh. Tôm kết hợp với thịt ba chỉ tạo nên màu đỏ gạch trong rất bắt mắt và kích thích vị giác. Không chỉ thu hút bởi mùi vị, tô bánh canh thật hấp dẫn với màu trắng của bánh xen lẫn nhân tôm thịt và màu xanh mướt của hành lá. Hương vị đậm đà của tôm thịt hòa quyện cùng sợi bánh canh tạo nên sự đặc sắc của cố đô Huế.

  1. Bánh mì Hội An (Quảng Nam)

Bánh mì Việt Nam dường như không còn xa lạ gì với các tín đồ ẩm thực trên Thế giới, trong đó phải kể đến sự nổi tiếng của bánh mì Hội An. Bánh mì Hội An đã nhận được những đánh giá và bình luận tích cực trên các website du lịch, mạng xã hội (như TripAdvisor hay Foursquare) và được nhiều chuyên gia ẩm thực nổi tiếng của Thế giới (như Cameron Stauch) dành lời khen tặng.

Bánh mì Hội An rất đa dạng về các loại nhân (từ các loại chả, lạp xưởng đặc trưng của Việt Nam cho đến các món mang hơi hướng “Tây” như jambon, pate, xúc xích, phô mai, thịt xông khói…,) và đặc biệt phải kể đến các loại rau ăn kèm và nước sốt đặc chế làm nên hương vị đặc biệt cho ổ bánh mì nơi đây. Sự hài hòa của các loại nguyên liệu thơm ngon, tươi mới; màu sắc đa dạng, vỏ bánh giòn rụm, phần nhân đầy đặn, đậm dà nước sốt,… tất cả sẽ khiến bạn không thể ngừng ăn.

Hai điểm bán bánh mì ngon nhất ở Hội An có thể kể đến chính là bánh mì Phượng và bánh mì Madam Khánh.

  1. Lẩu thả (Bình Thuận)

Lẩu thả là một món ăn nổi tiếng ở Bình Thuận. Món ăn không chỉ có thành phần nguyên liệu phong phú, tươi ngon mà cách trình bày cũng vô cùng cầu kỳ và bắt mắt. Chính điều đó khiến cho món Lẩu thả ghi dấu ấn mạnh mẽ trong lòng bất kỳ ai đã một lần thưởng thức khi đến Bình Thuận.

Lẩu thả được làm bằng cá đục, cá suốt, nhưng ngon nhất vẫn là cá mai, một trong những loài cá đặc sản của vùng biển Phan Thiết. Lẩu thả được trình bày như một bông hoa. Mỗi cánh hoa là một nguyên liệu của món ăn được đựng trong bẹ chuối. Trong đó gồm có thịt ba rọi luộc xắt sợi, trứng chiên cắt sợi chỉ, khế, dưa leo, rau xanh, không thể thiếu bánh đa bẻ nhỏ.

Không giống với các món lẩu thông thường, tất cả các nguyên liệu của món Lẩu thả đều được xếp gọn trong vỏ hoachuối đỏ để khi ăn, thực khách có thể tự do lựa chọn những nguyên liệu mình thích cho vào chén, sau đó mới chan nước lẩu sôi lên trên và thưởng thức. Lẩu thả được trình bày như một bông hoa. Mỗi cánh hoa là một nguyên liệu của món ăn được đựng trong bẹ chuối.

Nước dùng của lấu thả được chế biến đơn giản, không cầu kỳ như nguyên liệu dùng để ăn lẩu. Chỉ cần cho một ít cà chua và thịt gà cắt hạt lựu khử với dầu ăn, nêm nếm gia vị và sau đó cho nước hầm xương vào đun sôi. Ngoài ra, lẩu thả cũng có thể ăn theo kiểu khô, tức thay cho nước lẩu là nước mắm làm từ hỗn hợp me chua, đậu phộng rang, chuối sứ chín, ớt, tỏi, đường xay nhuyễn rồi pha với nước mắm nguyên chất.

Thưởng thức lẩu thả có 2 cách. Nếu thích sự đơn giản, bạn có thể chọn cách thưởng thức lẩu thả khô. Còn không bạn cư tiếp tục chan thêm nước lẩu thơm nồng để húp cho thật đã miệng.

  1. Gỏi Sầu Đâu (An Giang)

Cây sầu đâu còn được gọi là cây xoan, mọc nhiều ở các tỉnh Tây Nam như An Giang, Kiên Giang. Lá sầu đâu non có vị đắng nhưng để lại hậu ngọt nơi đầu lưỡi. Sầu đâu dùng để làm gỏi là đọt còn non, rửa sạch, xắt nhuyễn trộn với lưa leo bào mòng và khô cá lóc xé nhỏ.  Khô cá lóc dùng để trộn gỏi phải là loại cá lóc đồng và ngon nhất là loại khô chỉ được phơi từ 2-3 nắng được nướng qua lửa than thơm lừng. Một dĩa gỏi Sầu Đâu khô cá lóc được trộn đều với nước me chua, thấm vị mặm mòi của khố cá, đăng đắng hậu ngọt của lá sầu đâu, giòn giòn thanh mát của dưa leo, tất cả làm bùng nổ hương vị trên đầu lưỡi. Gỏi chấm với nước me đậm đặc, cay chua vừa phải càng làm tăng thêm hương vị. Gỏi sầu đâu không chỉ là món khai vị th��m ngon mà còn là một trong những món ăn bài thuốc. Nhiều tài liệu về y dược cho biết trong vỏ, lá, quả và gỗ của cây sầu đâu đều có chất khổ vị tố (chất đắng) có tác dụng chữa giun rất tốt.

  1. Gỏi cá Trích Phú Quốc (Kiên Giang)

Từ lâu, gỏi cá trích đã trở thành là món ăn mang đậm hương vị của vùng biển đảo Phú Quốc được nhiều người ưa thích, bởi nó cung cấp rất nhiều chất dinh dưỡng cần thiết cho sức khỏe của con người.

Tuy là món ăn dân giã nhưng chế biến gỏi cá trích rất kỳ công.  Để có món gỏi cá trích ngon, điều kiện tiên quyết là bạn phải chọn những con cá nhiều thịt, còn tươi sống mới cho thịt béo ngọt khi ăn. Cá được đánh sạch vảy, bỏ ruột, đầu, vây và đuôi. Khi chế biến món ăn này, người ta không lấy nguyên cả con cá mà chỉ lấy phần thịt hai bên lườn. Dùng dao mỏng lóc bỏ xương, lấy phần thịt hai bên để bóp gỏi .Kế đến vắt lấy nước cốt chanh (hoặc dấm nuôi bằng trái ổi chín) , ớt thái mỏng thành sợi , củ hành tây thái nhỏ rồi trộn đều lên cá trích đã thái sẵn.

Bánh tráng , rau sống , dừa khô là những thứ không thể thiếu trong món ăn dân dã này. Rau thì luôn có trong các cánh rừng nguyên sinh của đảo , dừa thì được cư dân trồng dồi dào, còn bánh tráng thì phải là bánh tráng do chính người dân Phú Quốc tự làm lấy vì bánh tráng ở đây có hương vị riêng biệt so với những nơi khác , vừa dày vừa dẻo lại vừa to. Bởi thế , khi cuốn với gỏi cá trích , bánh tráng không bị bể và ăn rất vừa miệng. Ăn gỏi cá trích không thể thiếu chén nước chấm được làm từ ớt, tỏi và đậu phộng rang. Các nguyên liệu đó được tán nhuyễn, pha với nước mắm Phú Quốc, ít đường, chanh… vừa có hương vị cay nồng vừa đậm đà vừa miệng.

2 đặc sản thiên nhiên:

  1. Vú sữa Lò Rèn (Tiền Giang)

Tiền Giang là vùng đất trái ngọt cây lành, phù sa mầu mỡ, phì nhiêu, thích hợp cho nhiều loại cây ăn quả trong đó có vú sữa. Cả nước nhiều nơi trồng được loại cây này nhưng vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim là thương hiệu nổi tiếng, được công nhận chỉ dẫn địa lý tại xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành.

Hiếm có nơi nào trồng vú sữa cho năng suất, sản lượng cao và chất lượng trái tốt nổi tiếng như ở các xã nằm trong vùng chỉ dẫn địa lý của trái vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim. Sở dĩ có tên này là do người Vĩnh Kim, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang muốn ghi nhớ công ơn của ông thợ rèn đã nhân giống vú sữa ngon cho vùng đất này.

Trái vú sữa Lò Rèn vỏ mỏng, sáng bóng rất đẹp, thịt trái nhiều, hương vị thơm ngọt, nhiều chất dinh dưỡng, được nhều người ưa chuộng. Vú sữa là trái cây có giá trị dinh dưỡng cao. Trong 100g vú sữa ăn được cung cấp 42 kcal năng lượng, 86.4g nước, 1g đạm, 9.4g chất bột,  2.3g chất xơ và nhiều vitamin… Trái vú sữa vừa ngon, vừa bổ dưỡng nên được nhiều người rất ưa chuộng. Cây vú sữa không những cho trái ngon ngọt, bổ dưỡng, mà theo đông y, nhiều thành phần trên cây vú sữa có tác dụng tốt cho con người, như có thể dùng lá sắc uống để trị chứng đau bụng hay đau nhức xương khớp.

Vú sữa còn giúp giảm cholectoron trong máu, giúp cho chúng ta có một giấc ngủ sâu, đặc biệt phụ nữ ăn nhiều vú sữa sẽ giúp cho chị em có làn da tươi trẻ mịn màng.

  1. Vải thiều (Bắc Giang)

Vải thiều là đặc sản nổi tiếng của tỉnh Bắc Giang, đặc biệt là vải thiều Lục Ngạn. Vải thiều Lục Ngạn khi chín có màu đỏ tươi, hạt nhỏ, cùi dày, ngọt sắc và giàu chất dinh dưỡng. Quả vải nơi đây to hơn và có hương vị đặc trưng khác hẳn vải thiều ở những vùng đất khác. Quả vải Lục Ngạn không chỉ nổi tiếng trong nước mà còn có mặt ở nhiều quốc gia trên thế giới như: Trung Quốc, Thái Lan, Mỹ, Australia và nhiều quốc gia khác. Cây vải đã đem lại giá trị kinh tế rất cao, góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp.

Cùi bên trong quả vải thiều là một nguồn chứa vitamin C tuyệt vời (vitamin C trong quả vải chống oxy hóa hơn chanh và cam), một ly nước vải chứa tới 136 mg (226% lượng khẩu phần ăn hàng ngày). Cung cấp polyphenol tuyệt vời cũng như các chất dinh dưỡng khác (sắt, kali, đồng, mangan) là những thành phần quan trọng trong quá trình sản xuất và lưu thông máu. Vải thiều còn được chế biến thành vải sấy khô, không chỉ có thể bảo quản lâu mà còn là vị thuốc rất tốt cho sức khỏe con ngườI. Vài năm gần đây các nhà kinh doanh còn dùng vải chế biến thành rất nhiều sản phẩm khác nữa như: Vải tươi đóng hộp, nước vải,…để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.

3 đặc sản quà tặng:

  1. Yến sào (Khánh Hòa)

Yến sào (tổ yến) là thứ được kể đến đầu tiên trong bát trân (8 loại thức ăn quý của người Việt). Ngày xưa, yến sào là loại thức ăn chỉ có bậc đế vương mới được thưởng thức, ngày ngày các sản phẩm từ tổ yến đã đến gần hơn với người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Khánh Hòa được biết đến là một trong những địa phương của Việt Nam có nhiều chim yến sống tự nhiên (ở trên hơn 30 hòn đảo lớn nhỏ) và đây cũng có chất lượng tổ yến tốt nhất. Yến sào Khánh Hòa không chỉ tạo ấn tượng tốt với người tiêu dùng trong nước mà còn trở thành dấu son trên “bản đồ” yến sào thế giới.

Yến sào có tác dụng bổ dưỡng cao, kích thích tiêu hóa, giúp an thần, gây ngủ, cầm máu, chữa được bệnh ho, thổ huyết, kiết lỵ. Đây là vị thuốc bổ rất tốt cho người ốm yếu, cao tuổi, sản phụ băng huyết, trẻ em suy dinh dưỡng.Tổ chim yến còn có tên dân dã là tai yến (vì tổ nom giống như tai người), còn trong y học cổ truyền và giao dịch kinh tế, được gọi là yến sào (yến: chim én, sào: tổ). Tổ yến có hình nôi tròn hoặc bầu dục, cong bán nguyệt, màu trắng xám, có khi màu hồng hoặc đỏ, to bằng nửa quả trứng vịt. Tổ yến sau khi sơ chế sạch có thể chế biến thành nhiều món ăn, bài thước dinh dưỡng như chưng đường phèn; nấu cháo; chưng hạt sen, táo đỏ;…

  1. Tỏi Lý Sơn (Quảng Ngãi)

Lý Sơn là một huyện đảo thuộc tỉnh Quảng Ngãi, cách đất liền 18 hải lí. Tại đây có nhiều món đặc sản hấp dẫn được khách du lịch chọn mua về làm quà như: mắm nhum, kẹo gương đậu phụng, quế Trà Bồng, kẹo mạch nha…nhưng nổi tiếng nhất vẫn là đặc sản tỏi Lý Sơn Quảng Ngãi. Tỏi Lý Sơn là loại tỏi quý, được trồng nhiều ở đảo Lý Sơn vì điều kiện đặc điểm thổ nhưỡng thuận lợi cùng kinh nghiệm lâu đời của bà con đã tạo ra hương vị riêng đặc biệt cho loại đặc sản này.

Trước đây, Lý Sơn được hình thành sự bồi đắp của cát biển, đá san hô và hoạt động của núi lửa. Với lợi thế này, người dân đã sử dụng chính loại đất đỏ của núi lửa pha trộn với cát mịn ven biển khi gieo trồng tỏi. Nhờ những giá trị có sẵn trong các loại đất trồng nên người dân không sử dụng đến bất kì loại phân bón hay thuốc bảo vệ nào để tỏi giữ được mùi vị thơm chuẩn nhất.

  1. Rượu sim Phú Quốc(Kiên Giang)

Cứ mỗi mùa Sim đến, hoa Sim trong những vườn sim nở rộ, Phú Quốc như lại được khoác lên mình một màu áo mới, màu tím của thủy chung và mơ mộng. Những vườn sim ở Phú Quốc không phải mới có mà đã xuất hiện cách đây rất lâu rồi, gắn liền với những vườn sim ấy là những cơ sở sản xuất rượu vang sim, một loại rượu với mùi thơm đặc trưng của trái sim rừng, có vị ngọt thanh pha lẫn vị chát. Rượu Sim Phú Quốc dần trở thành một loại đặc sản, một món quà không thể thiếu cho mỗi du khách khi đến với đảo ngọc.

Sim Phú Quốc là loài cây hoang dại có sức sống mãnh liệt, chỉ chín rộ vào dịp tháng giêng âm lịch, khi thời khắc giao hòa tiết trời phương Nam, vào thời điểm mật ngọt trái sim rừng được chắt chiu tốt nhất. Trái sim nguyên liệu đưa về rửa sạch, chọn quả chín mọng xay nhuyễn. Sau đó ủ lên men với đường cát theo một tỷ lệ nhất định (còn được giữ bí mật để cho ra được sản phẩm tốt). Trong môi trường hiếm khí từ 40 đến 45 ngày. Sau khi sản phẩm lên men hoàn chỉnh ta sẽ được một loại rượu màu hồng. Uống có vị cay chua ngọt như rượu vang nho với nồng độ khoảng 11,5%. Ngoài rượu vang Sim ra, có rất nhiều sản phẩm được tạo ra từ quả sim như rượu sim, Mật sim, siro sim, kẹo sim,…

Hiện nay thì có ba vườn sim lớn nhất trên đảo Phú Quốc là vườn sim của Sim Sơn, vườn sim Bảy Gáo, vườn sim Thành Long, đây vừa là tên ba vườn sim lớn nhất đồng thời cũng là tên của ba nhà xưởng ủ rượu nổi tiếng nhất đảo.

Tổ chức Kỷ lục Việt Nam – Vietkings đã tiếp tục tổng hợp và gửi hồ sơ đề cử đến Tổ chức Kỷ lục Châu Á để xác lập giá trị Kỷ lục Châu Á cho 10 món ăn đặc sản, đặc sản thiên nhiên, đặc sản quà tặng đã đạt giá trị Kỷ lục Đông Nam Á trên theo bộ tiêu chí xác lập “Giá trị Ẩm thực Châu Á”. Các hồ sơ sẽ được xét duyệt và công bố kết quả vào khoảng đầu năm 2019.

Tổ chức Kỷ lục Việt Nam