banner_website_display_block

Nhà giáo Chu Mạnh Nguyên: Người cao tuổi nhất nhận bằng Tiến sĩ Khoa học Giáo dục tại Việt Nam

Nhà giáo Chu Mạnh Nguyên: Người cao tuổi nhất nhận bằng Tiến sĩ Khoa học Giáo dục tại Việt Nam

11:15 - 05/02/2021

(KỶ LỤC – VIETKINGS) Ngày 1/2/2020 tại Hà Nội, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) phối hợp với Trường Bồi dưỡng Cán bộ Giáo dục Hà Nội tổ chức Lễ trao Kỷ lục ”Người cao tuổi nhất được nhận bằng Tiến sĩ Khoa học Giáo dục tại Việt Nam” cho Tiến sĩ Chu Mạnh Nguyên.

TS Thang Văn Phúc - Chủ tịch TW Hội Kỷ lục gia Việt Nam (phải) trao chứng nhận Kỷ lục Việt Nam đến TS Chu Mạnh Nguyên

TS Thang Văn Phúc – Chủ tịch TW Hội Kỷ lục gia Việt Nam (phải) trao chứng nhận Kỷ lục Việt Nam đến TS Chu Mạnh Nguyên

 

Nhà giáo Chu Mạnh Nguyên sinh ngày 15 tháng 7 năm 1944 tại Làng Mọc Thượng Đình, Nhân Chính, Từ Liêm (nay là Thanh Xuân), Hà Nội. Ông tốt nghiệp Khoa Vật lý trường ĐHSP Hà Nội năm 1965. Ông là giáo viên từng giảng dạy tại Trường cấp 3 Yên Mỹ, Hưng Yên (1965- 1974), Trường cấp 3 Dương Xá, Hà Nội (1974- 1976), Trường cấp 3 Phan Đình Phùng, Hà Nội (1976- 1977), Trường CĐSP Sông Bé (1977- 1980), trường Cán bộ quản lý giáo dục Hà Nội nay là Bồi dưỡng Cán bộ giáo dục Hà Nội (1980- 3/2005).
Ngày 15/11/2000, ông được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu “Nhà giáo Ưu tú” vì đã có nhiều cống hiến trong việc xây dựng và phát triển sự nghiệp giáo dục của dân tộc.
Ông đã chủ trì 03 đề tài NCKH cấp thành phố Hà Nội, 02 đề tài NCKH cấp Bộ; là Tổng chủ biên bộ giáo trình “Bồi dưỡng Cán bộ quản lý trường mầm non, trường THCS” (NXB Hà Nội, 2003), Tổng chủ biên bộ sách “Bồi dưỡng thường xuyên theo chu kỳ cho giáo viên mầm non và giáo viên phổ thông Hà Nội” (NXB Hà Nội, 2004); thành viên Hội đồng biên soạn (Bộ GD&ĐT) bộ sách “Bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho viên chức làm công tác thiết bị dạy học ở cơ sở giáo dục phổ thông” (NXB Giáo dục Việt Nam, 2009).

Nhà giáo Chu Mạnh Nguyên

Nhà giáo Chu Mạnh Nguyên

 

Năm 1994, ông tham dự khóa đào tạo ngắn hạn đầu tiên “Giáo viên dạy Tin học các trường THPT” tại Trường Đại học sư phạm, do Bộ GD&ĐT tổ chức. Năm 2000, ông bảo vệ thành công Luận văn Thạc sĩ “Quản lý giáo dục và văn hóa”. Cùng thời gian đó, ông tham dự khóa đào tạo và được cấp bằng “Cử nhân Chính trị” của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (1998- 2000).
Ngày 23/12/2006, ông được Hội đồng giải thưởng Sách Việt Nam trao tặng Giải Đồng (sách hay) cho tác phẩm: “Giáo trình Bồi dưỡng Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông” (NXB Hà Nội) do ông làm chủ biên. Từ năm 1998- 3/2005 ông làm chủ, điều hành có hiệu quả 2 Dự án với Tổ chức VVOB – Tổ chức Hợp tác phát triển và Hỗ trợ kỹ thuật Flemish, Vương quốc Bỉ (Dự án phát triển quản lý trường học tại Hà Nội và Dự án giáo dục môi trường trong các trường học Hà Nội), hàng trăm trường học với hàng nghìn giáo viên Hà Nội đã được hưởng lợi và trưởng thành thông qua việc tham gia các hoạt động của các Dự án.

Gần nửa thế kỷ phục vụ trong ngành Giáo dục, trong đó có 25 năm cho Giáo dục thủ đô, Nhà giáo Chu Mạnh Nguyên đã tham dự và tham luận về giáo dục và công tác quản lý cơ sở giáo dục tại nhiều Hội nghị, Hội thảo quốc gia và quốc tế. Năm 1972 và năm 2003, ông đã lỡ cơ hội làm Nghiên cứu sinh vì những lý do khách quan khác nhau. Năm 2011, ông tham gia dự tuyển và được công nhận là nghiên cứu sinh khóa 30 của trường Đại học Sư phạm Hà Nội, hoàn thành khóa đào tạo Nghiên cứu sinh và bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ Khoa học giáo dục với đề tài: “Phát triển đội ngũ viên chức làm công tác thiết bị dạy học ở các trường trung học phổ thông”. Ông được công nhận học vị Tiến sĩ và cấp bằng Tiến sĩ ngày 23/9/2015 theo Quyết định số 8624/QĐ-ĐHSPHN của Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Sau 43 năm, nhờ kiên trì đi học, nhà giáo Chu Mạnh Nguyên đã chính thức được nhận tấm bằng Tiến sĩ ở tuổi 71.

Chuyện nhà giáo Chu Mạnh Nguyên sau khi về hưu lại xin học, bảo vệ thành công luận văn và nhận bằng Tiến sĩ khi đã bước vào cái tuổi “thất thập cổ lai hy” khiến nhiều người vừa thán phục, vừa bất ngờ. Ông cho biết, mục đích chủ yếu của ông là thực hiện niềm say mê về việc dạy học, nghiên cứu khoa học thông qua bài giảng, các công trình khoa học, các cuốn sách do mình viết. “Tôi được cấp bằng tiến sĩ thực ra là cũng muốn gửi lại cho các thế hệ sau tri thức mà trong suốt cuộc đời làm giáo dục của tôi đã thu nhập được. Tôi luôn luôn âm thầm tích lũy kiến thức, học tập, đọc sách và khi có cơ hội, có thể trao truyền hoặc thông qua các bài giảng , cuốn sách, hay công trình khoa học và ở luận án tiến sĩ. Việc tôi tuổi đã cao nhưng vẫn học và bảo vệ lấy được bằng tiến sĩ là tôi muốn lan tỏa việc học tập, nhất là tự học đến mọi thế hệ để đóng góp cho sự phát triển của xã hội. Người ta trưởng thành, lớn lên, làm việc tốt chủ yếu là tự học ” – Tiến sĩ Chu Mạnh Nguyên nhấn mạnh.

Ông Hoàng Thái Tuấn Anh - Tổng thư ký Tổ chức Kỷ lục Đông Dương, Trưởng VPĐD Tổ chức Kỷ lục Việt Nam tại miền Bắc đại diện công bố quyết định xác lập Kỷ lục đến Tiến sĩ Chu Mạnh Nguyên

Ông Hoàng Thái Tuấn Anh – Tổng thư ký Tổ chức Kỷ lục Đông Dương, Trưởng VPĐD Tổ chức Kỷ lục Việt Nam tại miền Bắc đại diện công bố quyết định xác lập Kỷ lục đến Tiến sĩ Chu Mạnh Nguyên

Ngày 1/2/2020 tại Hà Nội, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) phối hợp với Trường Bồi dưỡng Cán bộ Giáo dục Hà Nội tổ chức Lễ trao Kỷ lục ”Người cao tuổi nhất được nhận bằng Tiến sĩ Khoa học Giáo dục tại Việt Nam” cho Tiến sĩ Chu Mạnh Nguyên.

Đông đảo người thân, bạn bè đến chúc mừng Tiến sĩ Chu Mạnh Nguyên nhân dịp ông được trao bằng xác lập Kỷ lục quốc gia.

Đông đảo người thân, bạn bè đến chúc mừng Tiến sĩ Chu Mạnh Nguyên nhân dịp ông được trao bằng xác lập Kỷ lục quốc gia.

Tiến sĩ Chu Mạnh Nguyên đã tiếp nối và phát huy truyền thống hiếu học của dân tộc, là một trong những tấm gương của sự kiên trì “học tập suốt đời”, truyền cảm hứng cho nhiều người với thông điệp ý nghĩa rằng, học không bao giờ muộn.

 

Phạm Vân: kylucvietnam.vn