banner_website_display_block

Màn múa Chuông truyền thống của 300 người dân tộc Dao xác lập Kỷ lục Việt Nam.

Màn múa Chuông truyền thống của 300 người dân tộc Dao xác lập Kỷ lục Việt Nam.

4:20 - 14/02/2025

Vào sáng ngày 14/2/2025, UBND huyện Văn Bàn long trọng tổ chức khai mạc Lễ hội đền Cô Tân An năm 2025, tại Di tích lịch sử quốc gia đền Cô Tân An, thôn Tân An 1, xã Tân An, huyện Văn Bàn. Cũng trong khuôn khổ lễ hội, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã trao Kỷ lục: “Sắc đỏ nơi rẻo cao” – Tiết mục múa chuông truyền thống của người Dao có số lượng người tham gia cùng lúc đông nhất Việt Nam tới BQL Di tích và phát triển Du lịch Huyện Văn Bàn.

 

Lễ hội đền Cô Tân An năm 2025.

Lễ hội đền Cô Tân An năm 2025.

 

Tham dự chương trình về phía Tổ chức Kỷ lục Việt Nam có Tiến sĩ Trần Chiến Thắng, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Kỷ lục gia Việt Nam và các đồng chí trong Văn phòng Kỷ lục miền Bắc.

 

Lãnh đạo Tổ chức Kỷ lục Việt Nam tham dự chương trình.

Lãnh đạo Tổ chức Kỷ lục Việt Nam tham dự chương trình.

 

Về phía tỉnh Lào Cai có các đồng chí: Phạm Toàn Thắng, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh; lãnh đạo Huyện ủy, HĐND, UBND huyện cùng đông đảo người dân và du khách dự chương trình.

Trước lễ khai mạc đã diễn ra lễ rước kiệu từ đền ông Hoàng Bảy về đền Cô Tân An với sự tham gia của hàng trăm người dân thuộc 12 thôn trong xã Tân An và du khách.

Trong lễ khai mạc, các đại biểu, người dân và du khách được ôn lại lịch sử hình thành ngôi đền linh thiêng, tham dự nghi lễ dâng hương và thưởng thức nhiều tiết mục văn nghệ hấp dẫn do các nghệ sỹ, diễn viên Trung ương, Nhà hát Chèo Hà Nội và Trung tâm Văn hóa, Thể thao – Truyền thông huyện Văn Bàn biểu diễn.

 

 

Đền Cô Tân An thờ Cô Bé Thượng Ngàn, còn được gọi là Nguyễn Hoàng Bà Xa. Theo truyền thuyết, Nguyễn Hoàng Bà Xa là con gái của quan Hoàng Bảy, một danh tướng nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam. Cô đã cùng cha có công đánh đuổi giặc ngoại xâm, giữ vững bờ cõi và bảo vệ quê hương. Sau khi qua đời, người dân đã lập đền thờ để tưởng nhớ công lao của cô.

Điểm nhấn của lễ hội năm nay là Màn múa chuông truyền thống dân tộc Dao với sự tham gia của 300 người dân tộc Dao trong vùng.

 

Màn múa chuông truyền thống dân tộc Dao với sự tham gia của 300 người dân tộc Dao trong vùng.

Màn múa chuông truyền thống dân tộc Dao với sự tham gia của 300 người dân tộc Dao trong vùng.

 

Với tiết mục vô cùng đặc sắc trên, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (Vietkings) chính thức xác lập kỷ lục Việt Nam với nội dung: “Sắc đỏ nơi rẻo cao” – Tiết mục múa chuông truyền thống của người Dao có số lượng người tham gia cùng lúc đông nhất, trong khuôn khổ Lễ hội đền Cô Tân An năm 2025.

 

Tiến sĩ Trần Chiến Thắng, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Kỷ lục gia Việt Nam

TS. Trần Chiến Thắng, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Kỷ lục gia Việt Nam trao bằng xác lập Kỷ lục đến đơn vị.

 

Màn trình diễn này không chỉ thể hiện sự đoàn kết và niềm tự hào của cộng đồng người Dao, mà còn góp phần quảng bá những giá trị văn hóa độc đáo của họ đến với đông đảo du khách. Đồng thời, nâng cao nhận thức, ý thức trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Dao trên địa bàn.

Ông Lương Thanh Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Bàn khẳng định: Màn múa chuông người Dao có sự tham gia của 300 nghệ nhân và người dân tộc Dao trên địa bàn đã để lại ấn tượng đẹp trong lòng du khách. Việc màn múa được công nhận kỷ lục Việt Nam là niềm vui, niềm tự hào của người Dao trên địa bàn nói riêng và người dân huyện Văn Bàn nói chung. Hoạt động này được thực hiện nhằm bảo tồn, gìn giữ nét đẹp văn hóa dân tộc, tạo điểm nhấn ấn tượng tại Lễ hội đền Cô Tân An, đồng thời là sản phẩm du lịch độc đáo thu hút du khách đến với Tân An nhiều hơn trong thời gian tới.

Việc xác lập kỷ lục Việt Nam cho màn múa này cũng thể hiện sự công nhận và tôn vinh những nỗ lực của cộng đồng người Dao trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, góp phần làm phong phú thêm nét đẹp văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Trong khuôn khổ lễ hội, đại biểu, người dân và du khách còn được tham quan gian trưng bày các sản phẩm đặc hữu của địa phương, triển lãm ảnh; tham gia các trò chơi dân gian…

Lễ hội đền Cô Tân An không chỉ là dịp để người dân và du khách tới dâng hương chiêm bái mà còn là điểm đến để mọi người được tìm hiểu, trải nghiệm nhiều nét văn hóa đặc sắc của người dân địa phương, cũng như thêm yêu, tự hào và nâng cao ý thức giữ gìn, bảo tồn nét đẹp văn hóa dân tộc.

 

Phạm Vân: Tổng hợp