Đề xuất Kỷ lục: Người nghiên cứu di cốt người cổ nhiều nhất Việt Nam
Đề xuất Kỷ lục: Người nghiên cứu di cốt người cổ nhiều nhất Việt Nam
“Trong phòng làm việc của tôi luôn có khoảng 100 bộ xương người. Tôi quá quen nên không có cảm giác sợ hãi gì cả. Hơn nữa, trước khi khai quật mộ tôi luôn làm lễ, thắp hương theo đúng tâm linh người Việt. Trước hết là bày tỏ sự kính trọng với người đã khuất, đồng thời để tâm mình hoàn toàn thoải mái nên chắc không có cụ nào trách móc tôi gì cả” Tính đến thời điểm hiện tại tôi đã nghiên cứu hơn 800 bộ di cốt người cổ – nhà khảo cổ học, PGS Nguyễn Lân Cường.
Gặp ông chuyên gia “đào mồ cuốc mả”
Thật khó tìm cho PGS, TS Nguyễn Lân Cường một danh xưng phù hợp nhất. Tìm thông tin trên Google, mỗi bài báo về ông lại có một danh xưng khác nhau: nhà cổ nhân học, nhà khảo cổ học, nhà giáo, nhà nhân chủng học, nhạc sĩ Lân Cường, Phó giáo sư…
Nếu ai đó chưa biết rõ về ông có lẽ sẽ tưởng đó là nhiều người khác nhau. Đọc xong phần chức danh chiếm 2/3 tấm card, không ai nhớ hết danh xưng của ông là gì. Bạn bè gọi đùa ông là “phố Nguyễn Lân Cường” bởi vì phố gồm nhiều nhà, gọi nhà nọ nhà kia mệt quá, gộp luôn là “phố” cho tiện.
Bỏ sang bên cạnh các chức danh, PGS-TS Nguyễn Lân Cường là một cái tên quá quen thuộc trong giới học giả trí thức. Ông là người con thứ tư trong gia đình cố NGND, Giáo sư Nguyễn Lân, em trai, là anh của các GS, PGS, TS nổi tiếng Nguyễn Lân Tuất, Nguyễn Lân Dũng, Nguyễn Lân Hùng, Nguyễn Lân Việt, Nguyễn Lân Trung…
Nguyễn Lân Cường được biết đến là người đã tìm ra hình thức “thiền táng” của các nhục thân thiền sư ở Đậu (Hà Nội), mà sau này mới biết trên thế giới chỉ thấy có ở Việt Nam và Trung Quốc. Ông cũng là người trực tiếp tu bổ các nhục thân này và là người Việt Nam đầu tiên và duy nhất được đào tạo ở nước ngoài về phương pháp phục chế lại mặt người theo xương sọ.
Ngay từ nhỏ, được ảnh hưởng của người anh trai Nguyễn Lân Tuất (hiện là Nghệ sĩ công huân tại Nga), từng đam mê âm nhạc, từng cùng NSND Trọng Khôi trúng tuyển lớp đào tạo diễn viên kịch nói để đi học ở Liên Xô…. nhưng rốt cuộc Nguyễn Lân Cường lại thi vào ĐH Tổng hợp Hà Nội (nay là ĐH KHXH&NV thuộc ĐHQG Hà Nội).
Có vẻ hơi tréo giò với anh trai ông – GS Nguyễn Lân Dũng, người lúc đầu học ở trường Đại học khoa học, nhưng sau lại chuyển sang nghiên cứu vi sinh vật học. Nguyễn Lân Cường tốt nghiệp Khoa Sinh vật với khóa luận “Phương pháp nuôi cá mè ở ruộng nước“.
Thế nhưng Nguyễn Lân Cường lại không xắn quần lội ruộng cùng nông dân như em trai ông – Nguyễn Lân Hùng mà chuyển sang “đào mồ cuốc mả”, như lời mẹ ông nói khi biết con trai được lựa chọn sang làm việc cho nghành khảo cổ học chỉ vì ông học về… động vật có xương sống.
Từ đó đến nay, PGS Nguyễn Lân Cường đã làm việc được hơn 50 năm, nghiên cứu khoảng hơn 800 bộ di cốt người khác nhau. Nói không ngoa, thời gian ông dành cho những bộ xương cũng chẳng kém thời gian ông dành cho người sống.
Hiện tại PGS Nguyễn Lân Cường đang hoàn thiện các hồ sơ, giấy tờ đăng ký Kỷ lục Việt Nam: ” Người nghiên cứu di cốt người cổ nhiều nhất Việt Nam”
Phạm Vân: Kylucvietnam