banner_website_display_block

Chùa Một Cột – Ngôi Chùa có kiến trúc độc đáo nhất Châu Á.

Chùa Một Cột – Ngôi Chùa có kiến trúc độc đáo nhất Châu Á.

6:50 - 19/03/2021

Chùa Một Cột được xác lập Kỷ lục việt Nam vào ngày 4/5/ 2006 tại Việt Nam và vào ngày 10/10/2012, Chùa Một Cột chính thức được Tổ chức Kỷ lục Châu Á công nhận là: “Ngôi Chùa có kiến trúc độc đáo nhất Châu Á”. Được sự ủy quyền của Tổ chức Kỷ lục Châu Á, ông Lê Doãn Hợp, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin truyền thông, chủ tịch Hội đồng xác lập Tổ chức Kỷ lục Việt Nam và ông Thang Văn Phúc, nguyên thứ trưởng Bộ Nội vụ, chủ tịch Hội Kỷ lục Gia Việt Nam đã trao bằng xác lập kỷ lục Châu Á đến đại đức Thích Tâm Kiên, trụ trì Chùa Một Cột.

 

Tọa lạc ở phố Chùa Một Cột (quận Ba Đình – Hà Nội), ngay gần Bảo tàng Hồ Chí Minh, cùng với Khuê Văn Các, Chùa Một Cột là một trong những di tích lịch sử văn hóa lâu đời, là biểu tượng của Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến.

Chùa Một Cột là một trong những công trình kiến trúc hàng nghìn năm tuổi mang tính biểu tượng của Hà Nội. Nằm trong quần thể khu di tích Ba Đình lịch sử, Chùa Một Cột có kiến trúc vô cùng độc đáo và là điểm đến văn hóa tâm linh không thể bỏ qua khi đến thăm thủ đô.

Chùa Một Cột còn có 4 tên gọi khác là chùa Mật, Diên Hựu Tự, Nhất Trụ Tháp và Liên Hoa  Đài. Chùa được khởi công xây dựng vào đời vua Lý Thái Tông vào tháng 10 năm 1049. Tiền thân của chùa Một Cột là một ngôi lầu Ngọc có tượng Phật Quan Âm đặt ở trong. Ngôi lầu này được đặt trên một chiếc cột đá ở giữa một chiếc hồ nhỏ. Đây là nơi Vua Lý Thái Tông thường đến cầu nguyện. Khi có hoàng tử nối dõi, ông cho xây thêm một ngôi chùa nhỏ cách  lầu Ngọc 10 mét về hướng Tây Nam. Và đặt tên cho cả quần thể kiến trúc này là Diên Hựu Tự. Hồ trồng hoa sen nơi đặt chùa Một Cột có tên là Hồ Linh Chiểu.

Chùa Một Cột có kiến trúc độc đáo với kết cấu hình vuông, nằm trên một trụ đá, phía trên gồm một hệ thống những thanh gỗ tạo thành bộ khung sườn kiên cố đỡ cho ngôi chùa dựng bên trên, giống như một đóa hoa sen vươn thẳng lên từ mặt hồ.

Chùa Một Cột có kiến trúc giống như một đóa hoa sen vươn thẳng lên từ mặt hồ

Chùa Một Cột có kiến trúc giống như một đóa hoa sen vươn thẳng lên từ mặt hồ

Theo Đại Việt sử ký toàn thư, chùa được xây dựng vào mùa Đông tháng 10 Âm lịch nǎm Kỷ Sửu, niên hiệu Sùng Hưng Đại Bảo 1 (1409) đời Lý Thái Tông. Vua Lý Thái Tông (1028 – 1054) chiêm bao thấy Phật Quan Âm trên toà sen đưa tay dắt Vua lên toà. Khi tỉnh dậy Vua nói với bề tôi và nhà sư Thiền Tuệ khuyên Vua làm chùa, dựng cột đá ở giữa đất, với đỉnh cột là tượng Phật Quan Âm ngồi trên tòa sen. Lối kiến trúc này cho phép liên tưởng đến cấu tạo của các kinh chàng (Thạch chàng/Cột kinh) – một loại kiến trúc Phật giáo, thường được dựng lên để kiến tạo công đức.

Chùa Một Cột - Ngôi chùa có kiến trúc vô cùng độc đáo.

Chùa Một Cột – Ngôi chùa có kiến trúc vô cùng độc đáo.

Di tích lịch sử văn hóa lâu đời

Tương truyền rằng Chùa Một Cột ban đầu được xây dựng gồm một cột đá chống đỡ ngôi lầu ngọc nhỏ phía trên. Trong ngôi lầu ngọc này thờ tụng Tượng Phật bà Quan Âm. Tổng thể ngôi chùa được đặt trong một hồ nước hình vuông thường được trồng hoa sen. Nhà vua Lý Thái Tông đặt tên chùa là Diên Hựu Tự với hàm nghĩa “phước bền dài lâu” và thường lui đến chùa để cầu nguyện và tụng kinh niệm phật.

Khi chùa khánh thành, các sư chay đàn, tụng kinh cầu nhà vua sống lâu, vì thế chùa còn có tên chữ là chùa Diên Hựu, có nghĩa là hạnh phúc dài lâu. Hàng năm cứ đến ngày 8/4 Âm lịch, Vua lại đến chùa làm lễ tắm Phật. Các nhà sư và nhân dân kinh thành Thăng Long cùng dự lễ. Sau lễ tắm Phật là lễ phóng sinh, Vua đứng trên một đài cao trước chùa thả một con chim bay đi, rồi nhân dân cùng tung chim bay theo trong tiếng reo vui của một ngày hội.

Năm 1106, chùa được Vua Lý Nhân Tông cho trùng tu mở rộng, trở thành một quần thể kiến trúc lớn. Riêng kinh chàng trước sân chùa được thêm vào những nét mới. Kinh chàng được đặt giữa một hồ vuông thả sen gọi là hồ Linh Chiểu, trên đỉnh cột là tòa sen mạ vàng. Giữa tòa sen là ngôi điện sơn màu tía, sườn nóc điện có gắn hình tượng chim thần để trang trí và tỵ tà. Trong điện đặt tượng Phật Quan Âm mạ vàng.

Trải bao năm tháng, Chùa Một Cột được trùng tu, phục dựng nhiều lần qua các thời Trần, Hậu Lê, Nguyễn. Năm 1954, trước khi rút khỏi Hà Nội, quân Pháp đặt thuốc nổ phá Chùa Một Cột, chùa chỉ còn lại cây cột với mấy xà gỗ. Năm 1955, Bộ Văn hóa cho trùng tu Chùa Một Cột và giao cho kiến trúc sư Nguyễn Bá Lăng đảm nhiệm.

Vinh danh “Ngôi chùa có kiến trúc độc đáo nhất Châu Á”

Ngày 10/11/2012, tại Faridabad (Ấn Độ), Tổ chức Kỷ lục châu Á đã xác nhận Chùa Một Cột là “Ngôi chùa có kiến trúc độc đáo nhất châu Á”, sau nửa thế kỉ ngôi chùa được xếp hạng Di tích Lịch sử kiến trúc nghệ thuật quốc gia (1962), sau 6 năm chùa được ghi danh trong sách kỉ lục Guiness Việt Nam “Ngôi chùa có kiến trúc độc đáo nhất Việt Nam”.

ông Lê Doãn Hợp, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin truyền thông, chủ tịch Hội đồng xác lập Tổ chức Kỷ lục Việt Nam và ông Thang Văn Phúc, nguyên thứ trưởng Bộ Nội vụ, chủ tịch Hội Kỷ lục Gia Việt Nam đã trao bằng xác lập kỷ lục Châu Á đến đại đức Thích Tâm Kiên, trụ trì Chùa Một Cột.

ông Lê Doãn Hợp, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin truyền thông, chủ tịch Hội đồng xác lập Tổ chức Kỷ lục Việt Nam và ông Thang Văn Phúc, nguyên thứ trưởng Bộ Nội vụ, chủ tịch Hội Kỷ lục Gia Việt Nam đã trao bằng xác lập kỷ lục Châu Á đến đại đức Thích Tâm Kiên, trụ trì Chùa Một Cột.

 

 

Chùa Một Cột hiện nay chỉ là một phần trong quần thể kiến trúc chùa Diên Hựu xưa để ghi nhớ lại nơi đây đã từng có một công trình kiến trúc độc đáo.

Kiến trúc của chùa Một Cột có nhiều nét tương đồng với thiết kế kiến trúc có từ lâu đời. Vào thời Đinh Tiên Hoàng và đời Vua Lê Thánh Tông đã từng có lối kiến trúc này. Chùa Một Cột gồm một đài Liên Hoa hình vuông có cạnh dài 3 m. Chùa được đặt trên một cột trụ cao 4 m,  có đường kính 1,2 m bằng chất liệu đá. Cột đá được sử dụng làm trụ chính nâng đỡ 3 khung giá gỗ. Mỗi khung giá gỗ tạo thành một tầng được ráp vào thân cột đá nhằm đỡ đài Liên Hoa. Tầng giá gỗ dưới cùng gồm các thanh gỗ lớn được đẽo cong tỏa ra xung quanh gắn vào khung đỡ tầng trên. Hai tầng khung gỗ trên chỉ gồm những thanh gỗ ngang được đặt so le nhau.

Vật liệu chủ yếu được sử dụng trong kiến trúc chùa Một Cột là gỗ. Gỗ được sử dụng trong các chi tiết thiết kế cho các vách tường và cột xà. Chùa có mái ngói uốn cong ở 4 góc, chính giữa nóc là phù điêu lưỡng long chầu nguyệt. Đây là điểm nhấn thiết kế nổi bật của kiến trúc đền chùa cổ của Việt Nam.

Trong chùa, tượng đức Phật Quan Âm ngồi trên một bông sen bằng gỗ sơn son thiếp vàng, ở vị trí cao nhất. Phía trên tượng Phật là hoành phi “Liên hoa đài” gợi nhớ sự tích nằm mộng của vua Lý dẫn tới việc xây dựng chùa. Từ sân lên sàn chùa để tụng kinh lễ bái, phải bước qua 13 bậc thang rộng 1,4m, hai bên tường gạch, gắn bia đá giới thiệu lịch sử ngôi chùa.

Chùa ngày nay tuy không được tạo hình như những cánh hoa sen trên cột đá xưa nhưng hình ảnh về một ngôi chùa nằm giữa mặt nước vươn cao vẫn gợi hình về một bông hoa sen – loại hoa đẹp, tượng trưng cho vẻ đẹp tinh túy, cao sang – nằm ngay giữa lòng hồ. Không chỉ vậy, nó còn là biểu tượng của trí tuệ, của sự trường tồn, sự giải thoát qua nhận thức đậm chất trí tuệ để đi tới cõi niết bàn.Chùa Một Cột xây ở giữa hồ nước thả sen, mỗi cạnh hồ 20m, có tường thấp bao xung quanh. Tuy quy mô của chùa không lớn nhưng nó lại mang đến một vẻ đẹp rất riêng, được dựng lên chỉ bằng một cột trụ nhưng vẫn có thể đứng vững chãi, không gì đánh đổ được qua thời gian. Khách phương xa mỗi lần có dịp đến thăm chùa đều ngỡ ngàng trước lối kiến trúc độc đáo của nó.

Chùa Một Cột không giống với bất cứ một tháp Phật nào, chùa mang đậm tính triết lí nhân văn với vòng ngoài hình vuông tượng trưng cho âm, và cột hình tròn tượng trưng cho dương, trong âm có dương, trong dương có âm. Đây là quy luật tuần hoàn tương sinh, tương khắc của vũ trụ. Vẻ đẹp của nó vừa có vẻ uy nghi cổ kính, lại vừa mang phong thái nhẹ nhàng thanh thoát của cõi Phật.

Có ý nghĩa lịch sử, văn hóa tâm linh và kiến trúc độc đáo, Chùa Một Cột đã tồn tại gần 1000 năm và trở thành một trong những biểu tượng đặc trưng của thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến. Đây là một trong những hình ảnh quảng bá du lịch của thủ đô và là món quà biểu trưng du lịch Hà Nội được du khách cực kỳ ấn tượng.

Không chỉ là biểu tượng của Hà Nội, Chùa Một Cột còn được coi là biểu tượng có ý nghĩa quan trọng của Việt Nam. Bằng chứng của việc này là hình ảnh Chùa Một Cột được in nổi trên mặt đồng xu kim loại mệnh giá 5 nghìn đồng và được các công ty du lịch Việt quảng bá trên khắp năm châu.

Hiện Chùa Một Cột đang làm các hồ sơ gửi sang Liên minh Kỷ lục Thế giới để được công nhận là: “Ngôi Chùa có kiến trúc độc đáo nhất Thế giới”.

Phạm Vân: kylucvietnam.vn