banner_website_display_block

PGS. TS Nguyễn Lân Cường xác lập Kỷ lục Việt Nam với nội dung: “Người nghiên cứu nhiều nhất các di cốt người cổ của Việt Nam (1093 cá thể)”.

PGS. TS Nguyễn Lân Cường xác lập Kỷ lục Việt Nam với nội dung: “Người nghiên cứu nhiều nhất các di cốt người cổ của Việt Nam (1093 cá thể)”.

9:09 - 10/10/2022

Vào tối ngày 08 tháng 10 năm 2022, tại Trung tâm biểu diễn nghệ thuật Âu Cơ, Hà Nội đã diễn ra Chương trình nghệ thuật: “Nhật ký trên Khóa Sol” nhân dịp kỷ niệm sinh nhật lần thứ 81 của Nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường. Cũng trong dịp này Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã trao tặng bằng xác lập Kỷ lục tới PGS. TS. Nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường với nội dung: “Người nghiên cứu nhiều nhất các di cốt người cổ của Việt Nam (1093 cá thể)“.

 

Chương trình nghệ thuật: "Nhật ký trên khóa Sol" của nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường.

Chương trình nghệ thuật: “Nhật ký trên khóa Sol” của nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường.

 

“Nhật ký trên khóa Sol”  là chương trình ca nhạc chọn lọc các tác phẩm âm nhạc của Nhạc sĩ Lân Cường, sáng tác từ năm 1959 đến năm 2022. Chương trình được NSND Quang Vinh – Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội làm chỉ đạo nghệ thuật, tổng đạo diễn – nhạc sĩ Hồ Trọng Tuấn, đạo diễn sân khấu – nhạc sĩ An Hiếu… Cùng sự tham gia biểu diễn của các nghệ sĩ: NSND Phạm Ngọc Khôi, PGS.TS, NSƯT Minh Cầm, NSND Phan Muôn, NSƯT Tố Uyên, NSƯT Quang Mạo, NSƯT Đăng Dương, các ca sĩ: Trọng Tấn, Đào Tố Loan, Phúc Tiệp, Lê Anh Dũng, Ngọc Khuê, Trường Linh… và sự tham gia của Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, với 170 diễn viên người lớn và trẻ em của dàn hợp xướng Hanoi Harmoni của Hội Âm nhạc Hà Nội.

Nói về PGS. TS Nguyễn Lân Cường thì thật khó để có thể tìm cho ông một danh xưng phù hợp nhất. Tìm thông tin trên Google, mỗi bài báo về ông lại có một danh xưng khác nhau: nhà cổ nhân học, nhà khảo cổ học, nhà giáo, nhà nhân chủng học, nhạc sĩ Lân Cường, Phó giáo sư…

Nếu ai đó chưa biết rõ về ông có lẽ sẽ tưởng đó là nhiều người khác nhau. Đọc xong phần chức danh chiếm 2/3 tấm card, không ai nhớ hết danh xưng của ông là gì. Bạn bè gọi đùa ông là “phố Nguyễn Lân Cường” bởi vì phố gồm nhiều nhà, gọi nhà nọ nhà kia mệt quá, gộp luôn là “phố” cho tiện.

Bỏ sang bên cạnh các chức danh, PGS-TS Nguyễn Lân Cường là một cái tên quá quen thuộc trong giới học giả trí thức. Ông là người con thứ tư trong gia đình cố NGND, Giáo sư Nguyễn Lân.

 

Ông Trần Chiến Thắng, nguyên thứ trưởng

Ông Trần Chiến Thắng – nguyên thứ trưởng Bộ Văn hóa – Phó Chủ tịch TW Hội Kỷ lục Gia Việt Nam và ông Hoàng Thái Tuấn Anh Tổng thư Ký Tổ chức Kỷ lục Đông Dương – Trưởng đại diện Miền Bắc Tổ chức Kỷ lục Việt Nam trao bằng xác lập Kỷ lục Việt Nam đến PGS. TS Nguyễn Lân Cường.

 

PGS. TS. Nguyễn Lân Cường được biết đến là người đã tìm ra hình thức “thiền táng” của các nhục thân thiền sư ở Đậu (Hà Nội), mà sau này mới biết trên thế giới chỉ thấy có ở Việt Nam và Trung Quốc. Ông cũng là người trực tiếp tu bổ các nhục thân này và là người Việt Nam đầu tiên và duy nhất được đào tạo ở nước ngoài về phương pháp phục chế lại mặt người theo xương sọ.

 

PGS, TS Nguyễn Lân Cường giới thiệu bộ xương sọ người tiền sử bé gái 4 tuổi.

PGS, TS Nguyễn Lân Cường giới thiệu bộ xương sọ người tiền sử bé gái 4 tuổi.

Ngay từ nhỏ, được ảnh hưởng của người anh trai Nguyễn Lân Tuất (hiện là Nghệ sĩ công huân tại Nga), từng đam mê âm nhạc, từng cùng NSND Trọng Khôi trúng tuyển lớp đào tạo diễn viên kịch nói để đi học ở Liên Xô…. nhưng rốt cuộc Nguyễn Lân Cường lại thi vào ĐH Tổng hợp Hà Nội (nay là ĐH KHXH&NV thuộc ĐHQG Hà Nội).

Có vẻ hơi tréo giò với anh trai ông – GS Nguyễn Lân Dũng, người lúc đầu học ở trường Đại học khoa học, nhưng sau lại chuyển sang nghiên cứu vi sinh vật học. Nguyễn Lân Cường tốt nghiệp Khoa Sinh vật với khóa luận “Phương pháp nuôi cá mè ở ruộng nước“.

Thế nhưng Nguyễn Lân Cường lại không xắn quần lội ruộng cùng nông dân như em trai ông – Nguyễn Lân Hùng mà chuyển sang “đào mồ cuốc mả”, như lời mẹ ông nói khi biết con trai được lựa chọn sang làm việc cho nghành khảo cổ học chỉ vì ông học về… động vật có xương sống.

Từ đó đến nay, PGS. TS. Nguyễn Lân Cường đã làm việc được hơn 50 năm, nghiên cứu khoảng hơn 1.000 bộ di cốt người Việt cổ khác nhau. Nói không ngoa, thời gian ông dành cho những bộ xương cũng chẳng kém thời gian ông dành cho người sống. Chính vì những đóng góp quan trọng của PGS. TS Nguyễn Lân Cường trong lĩnh vực khảo cổ học tại Việt Nam, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã chính thức trao tặng bằng xác lập Kỷ lục Việt Nam đến PGS. TS. Nguyễn Lân Cường với nội dung: Người nghiên cứu nhiều nhất các di cốt người cổ của Việt Nam (1093 cá thể)“.

 

Bằng xác lập Kỷ lục

Bằng xác lập Kỷ lục Việt Nam của PGS. TS. Nguyễn Lân Cường.

 

Một số hình ảnh Chương trình nghệ thuật: “Nhật ký trên khóa Sol” được diễn ra vào tối 8/10.

 

Phạm Vân: Tổng hợp